Tìm đến căn phòng nhỏ tồi tàn vào buổi sáng ngày lễ giáng sinh để tìm gặp bà lão già lượm ve chai, phải chứng kiến căn trọ bé xíu nhưng vẫn rất trống trải vì chẳng có đồ đạc gì ngoài những túi ve chai và những túi nilon bà lượm về chưa kịp bán, chúng tôi không khỏi xót xa.
Cụ già nghèo khổ và neo đơn ấy tên là Phan Thị Nở – - đang thuê phòng trọ tại số 290/59/5 Nơ Trang Long – phường 12 – quận Bình Thạnh – Thành phố Hồ Chí Minh. Tên thường gọi của bà là Bà Hai, hiện nay bà đã 80 tuổi và đang sống một mình trong căn phòng trọ ẩm thấp, tồi tàn với giá 1 triệu/ tháng này.
Đường đi vào căn phòng trọ nơi bà thuê ở
Khi chúng tôi đến, bà vẫn đi lượm ve chai chưa về
Kiếm một đoạn khá xa, chúng tôi vô tình gặp bà đang trên đường về nghỉ. Lúc này là gần 11h, bắt đầu làm việc từ 6h sáng, 5 tiếng trôi qua, bà chỉ mới kiếm được bao nhiêu đây
Theo lời bà kể thì bà cũng có con, lại là con trai nữa: “Nó lớn rồi, đã có vợ và 2 con trai cũng đã lớn. Nhưng nó không nuôi bà, vợ nó không thích, nó bỏ bà đi biền biệt mấy năm nay không một lần về thăm. Có lần bà đi lượm ve chai ngoài đường, nghe nó gọi 1 tiếng “Má” rồi chạy xe mất hút, bà già rồi, nghe giọng con nhưng không quay lại kịp, khi đã lòm còm ngó lên thì nó đã chạy xa rồi. Bà chỉ biết đứng khóc vì nhớ nó, vì đau lòng….”
Đi theo sau bà một đoạn, chúng tôi thấy cô hàng cơm ở đầu hẻm gọi bà lại và bán rẻ cho hộp cơm với giá chỉ 7k
Từ đầu ngõ vào đến nơi bà thuê cũng không xa, nhưng bà đã phải ngồi nghỉ nhiều lần vì mệt
Khi được hỏi về gia cảnh người con trai, bà nói: “ Nghe người ta nói nó ở đâu tận Củ Chi, Hốc Môn gì đó. Cháu nội bà lớn rồi, đã đi làm. Bà biết vậy thôi chứ 4 năm nay đâu có được gặp… " (nói đến đây, bà bỗng im lặng, có vẻ làm mệt và thở gấp khiến chúng tôi lo lắng và không dám hỏi sâu hơn nữa về chuyện buồn của bà – có lẽ bà đang rất đau lòng về “nhúm ruột” của mình).
"Nhà" bà đây!
Tất cả tài sàn có được của cụ bà 80 tuổi đáng thương
Nhìn quanh một vòng căn phòng nhỏ, chẳng có gì ngoài cái bóng đèn và một chai nước. Còn lại tất cả đều là đồ bà lượm về, chờ đem bán. Bà bảo: “Tối bà nằm dưới sàn, lạnh quá thì lót quần áo ra nằm cho ấm. Sợ nhất là những ngày mưa về, hơi đất xông lên, sáng ngủ dậy người bà đau nhức, không đi lượm ve chai được. Phòng này ngày xưa thuê 700 ngàn/ tháng, giờ đã lên 1 triệu rồi. Hơi mắc so với sức bà nhưng được cái ở đây có hàng xóm tốt, họ hay giúp bà uống thuốc mỗi khi bà bệnh nằm liệt giường, không đi nổi. Có lần bà cũng chuyển qua chỗ khác thuê rẻ hơn nhưng người ta thấy bà già yếu, đơn độc, sợ chết trong nhà họ nên người ta cũng không thích lắm. Với lại ở đó không an toàn, bà gom ve chai được vài ngày rồi đem bán, có 15 – 20 ngàn, kẻ xấu cũng lấy của bà nên bà lại về đây. Mỗi ngày cố lượm nhiều thêm một chút, các cô các chú ngoài chợ thương tình đôi khi cho bà vài chục ngàn… gom góp lại cũng đủ đóng tiền nhà, đồ ăn thì xin nên cũng ít tốn kém”
Vào nhà là bà lại ngồi xổm xuống thở dốc lấy hơi
Niềm vui nhất trong cuộc sống của bà là những ngày bán được ve chai nhiều tiền, không phải lo nợ tiền nhà của chủ
Ông trời đôi khi cũng bất công với bà. Vào một buổi tối muộn cách đây vài tháng, khi bà đang cố lượm nốt ve chai trước khi về nghỉ thì đã gặp tai nạn (theo bà, giờ này người ta đổ rác nhiều nên bả lượm được nhiều, bà mừng lắm). Một người hàng xóm ở cạnh nhà bà thuê kể: “Tội bà ấy lắm. Già yếu lắm rồi mà phải sống đơn độc một mình. Con trai ruột thì không thấy đâu. Bà về đây 4 năm mà tụi tui chưa lần nào thấy nó đến thăm mẹ. Cái lần bà bị tai nạn, xe tải nó móc bà kéo đi, may sao không chết. Nằm viện cả tháng trời, ông chủ nhà và mấy ông hàng xóm đi khắp nơi kiếm con trai bà để báo tin nhưng không tìm được. Mỗi người cố vun vén góp cho một ít, bà lại thui thủi một mình, tự chăm sóc cho mình. Bà con khu lao động ai cũng nghèo, họ buôn bán nên nếu còn hàng thì cho bà bó rau, con cá chứ chẳng ai lo cho bà chu đáo được. Các cô chú ráng viết báo kêu gọi giúp bà, tụi tui cũng mang ơn lắm”
Rồi bà lại trầm ngâm khi kể về con trai, cháu nội mình - bà không muốn nói về con dâu
Toàn cảnh căn phòng giá 1 triệu
Quần áo ở chỗ kia cũng chính là "tấm nệm" sưởi ấm cho bà
Khi được hỏi về sự quan tâm và giúp đỡ của chính quyền đối với hoàn cảnh neo đơn, già yếu của mình, bà nói: “Tui không có chế độ nhà nước vì thằng con tui nó giữ sổ hợp khẩu rồi (ngày xưa bà có sổ hộ khẩu chung với gia đình con trai khi còn dựng nhà ở tạm nhờ trong Đình Tiên Sư, sau này người ta đuổi thì con trai bà cầm giấy tờ đi luôn, không cho bà mượn). Trên phường họ bảo phải có giấy tờ mới được mỗi tháng một hai trăm ngàn nhưng tui không kiếm được nó, có nhắn người ta báo nó cho tui mượn nhưng vẫn không thấy hồi âm gì, nên thôi, chắc nó sợ gặp tui bị làm phiền. Khi nào tui chết, tui mới được gặp lại nó - mong vậy thôi...”
Sự khắc khổ hằn rõ trên gương mặt bà Hai
Kể về chuyện cái nhà và cái hộ khẩu xin mượn mãi con trai vẫn không đưa
"Nó bảo khi nào chết, nó đến đem chôn chứ không cho gặp"
Một người hàng xóm khác của bà cho biết thêm: “Bà cụ này khổ lắm. Bị bệnh mà không chịu đi khám, cứ uống thuốc linh tinh, có lần còn bị sưng phù mặt, không đi nổi…”. Chúng tôi quay sang hỏi thăm bà về sức khỏe và khuyên bà nên đến bác sĩ, bà bảo: “Đi bác sĩ tốn tiền lắm. Tui chỉ lo tiền nhà và có cơm ăn mỗi ngày là mừng rồi. Hôm ở bệnh viện (có lẽ là cái lần bà bị xe tải gây tai nạn), bác sĩ nói tui bị bệnh tim, bị cao huyết áp và bao tử gì đó. Nên mỗi lần bệnh, tui tự đi mua thuốc uống cho qua. Lần đó xui (giọng bà bỗng nhẹ hẳn, trầm buồn)… nên bị uống nhầm thuốc…"
Mỗi ngày bà đi lang thang lượm ve chai, đến khi đầy thì xách về rồi nghỉ ngơi - chuẩn bị đi tiếp...
Hớn hở khi được người lạ chụp hình và hỏi han
"ít ai đến thăm bà lắm, già sắp chết rồi cô ơi" - bà buồn bã nói trong tủi thân khi được hỏi về người thân
Rời khỏi căn phòng ấy, bóng dáng bà Hai lượm ve chai và những câu chuyện buồn đời bà vẫn còn ám ảnh trong tâm trí chúng tôi. Hình ảnh cụ già 80 tuổi với quá nhiều căn bệnh nguy hiểm trong người mỗi ngày phải đi bộ hàng chục cây số để lượm từng bao giấy, từng miếng bìa carton… để kiếm vài chục ngàn đóng tiền phòng trọ thật đáng thương. Và con xót xa hơn nữa, khi vô tình trên đường đi kiếm bà để thực hiện phóng sự này, chúng tôi đã bắt gặp hình ảnh bà cụ ngồi bên lề đường thở dốc một cách mệt mỏi, lấy sức đứng dậy đi tiếp về nơi trọ của mình, hai tay bà vẫn không quên cầm theo tài sản là chiếc túi đựng ve chai và mấy miếng carton – hộp đồ chơi con nít….
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét